Cả nước đã quy hoạch hơn 10.000 ha đất làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 là 3.359 ha thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 6.641 ha.
Tính đến thời điểm này, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 26,3 m2 sàn/người. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130 nghìn căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó để đạt được trong năm nay.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng tổ chức ngày 10/7 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, ông Đậu Minh Thanh – Chánh văn phòng Bộ Xây dựng chia sẻ, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong số đó, mới hoàn thành 75 dự án với quy mô 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án tương đương 15.379 căn và chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với khoảng 262.937 căn.
Như vậy, nếu căn cứ con số hoàn thành so với mục tiêu Chính phủ giao thì “đích” đến của nhà ở xã hội vẫn còn cách rất xa. Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện để Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34. Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong 2 quý cuối của năm 2024 là tập trung đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng đó, Bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Cập nhật tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, Bộ Xây dựng thông tin, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Công Thương Việt Nam – Vietinbank, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank, Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank) có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 73 dự án. Trong số đó, một số địa phương đã công bố nhiều dự án như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh cùng có 6 dự án; Bình Định 5 dự án… Các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.234 tỷ đồng.
Trước tình hình giải ngân gói tín dụng ưu đãi chưa hiệu quả, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, ngày 23/4/2024, Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản số 1699/BXD-QLN về việc hướng dẫn về xác định danh mục, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư (thay thế văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 của Bộ Xây dựng).
Theo đó, điều kiện vay vốn của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ cần được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; được lựa chọn là chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, đã lược bỏ điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng. Sau khi được công bố danh mục, chủ đầu tư dự án đảm bảo điều kiện theo pháp luật về tín dụng, cũng như thỏa thuận với các ngân hàng là được vay vốn – ông Hoàng Hải thông tin.
Cục trưởng Hoàng Hải đánh giá, điểm đáng ghi nhận là nhiều địa phương đã làm tốt việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch hơn 10.000 ha đất làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 là 3.359 ha thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 6.641 ha. Điển hình như: Đồng Nai dành 1.064 ha cho phát triển nhà ở xã hội, Tp. Hồ Chí Minh 609 ha, Quảng Ninh 704 ha, Hải Phòng 837 ha…
Liên quan đến bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã báo cáo UBND Thành phố Hà Nội đề xuất 9 khu đất để phát triển nhà ở xã hội tập trung với quy mô khoảng 600 ha tại các quận, huyện gồm: Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.
Hiện nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ngành tại địa phương để rà soát, củng cố thông tin về 9 địa điểm đất và bổ sung khoảng 5-6 địa điểm đất với quy mô nghiên cứu sự dụng khoảng 1.000-1.500 ha.
Các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được giới thiệu là cơ sở vững chắc cho Thành phố Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu phân bổ về nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 338 giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn sau năm 2023, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân thuộc 12 đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã theo Luật Nhà ở, góp phần bình ổn thị trường bất động sản và kinh tế địa phương.