Con số thiệt hại mới cập nhật của PVI cao gấp nhiều lần so với ước tính sơ bộ trước đó.
Theo cập nhật mới nhất, Bảo hiểm PVI cho biết tính đến chiều ngày 11/9, công ty đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Theo công ty, đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. Tuy nhiên, Bảo hiểm PVI khẳng định vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Công ty cũng lưu ý với khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho công ty bảo hiểm qua điện thoại, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức phù hợp các thông tin ban đầu như: Địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).
Giám định viên của Bảo hiểm PVI hoặc đơn vị giám định được chỉ định sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra hiện trường đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ chi tiết.
Trước đó, trong cập nhật đến sáng ngày (9/9), Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Bảo hiểm PVI là công ty con của CTCP PVI (PVI Holdings – Mã: PVI). Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam, vượt qua những ông lớn như Bảo hiểm Bảo Việt hay Bảo Minh.
Theo báo cáo tài chính năm 2023 (Bảo hiểm PVI không công bố báo cáo theo quý), lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 795 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 830 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mảng tài chính là 719 tỷ đồng.
Tháng 8 vừa qua, Bảo hiểm PVI đã tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng, dẫn đầu trong ngành phi nhân thọ.
Ngoài Bảo hiểm PVI, một số công ty khác cũng đã công bố số liệu sơ bộ về thiệt hại do bão Yagi gây ra. Mới đây, Bảo hiểm Bưu điện (PTI), tính đến 18h ngày 9/9, công ty đã ghi nhận 65 vụ tổn thất về tài sản – kỹ thuật – hàng hải; 273 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người hiện chưa ghi nhận trường hợp mất tích hoặc tử vong. Ước tính số tiền bồi thường không dưới 150 tỷ đồng.
Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết tính đến ngày 10/9, theo thống kê chưa đầy đủ, công ty đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đến ngày 10/9, Bảo hiểm hàng không (VNI) thông tin rằng đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 200 trường hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như Bảo hiểm BIDV, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội, Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm VietinBank cũng đã công bố hàng trăm vụ tổn thất, với số tiền bồi thường lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tính bồi thường gần 10 tỷ đồng. Với cập nhật mới nhất từ PVI, số tiền bồi thường mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả có thể đã vượt qua con số 3.000 tỷ đồng.