Với đà tăng trưởng tín dụng như hiện nay, chuyên gia nhận định có thể đạt được con số mục tiêu 15% trong năm nay.
Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Con số giải ngân sau 9 tháng của các ngân hàng đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, hoàn thành khoảng 60% mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Các con số này cho thấy, tín dụng đang vào đà tăng tốc, bởi trước đó, đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.
Như vậy, tính riêng trong tháng 9, tín dụng đã tăng thêm gần 2,4 điểm %, tương ứng với quy mô khoảng 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 9, hệ thống ngân hàng đã bơm ra gần 220.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.
Hai lý do khiến tín dụng đạt mục tiêu năm 2024
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cho biết với đà tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.
Theo ông, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần trong những tháng cuối năm và thông thường nhu cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm tăng cao hơn nửa đầu năm. Thêm vào đó, quý cuối năm là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp và tiêu dùng tăng kéo theo nhu cầu cao về vốn tín dụng.
Đây cũng là điều mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: “Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi”.
Ông Huân cũng cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hai động lực chính sẽ đến từ hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước cuối năm tăng lên.
Theo Tổng cục Thống kê, quý III/2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.591 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).
Bên cạnh đó, quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng phân hoá giữa các nhóm ngân hàng
Theo ông Huân đánh giá, tăng trưởng tín dụng sẽ có sự phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng. Theo đó, nhóm ngân hàng thuộc top trên như Agribank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB,.. khả năng cao sẽ đạt được room tín dụng và có được sự bứt phá trong năm nay.
“Ngược lại, nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ đang gặp đuối trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng do thanh khoản tín dụng chưa tốt và tỷ lệ nợ xấu tương đối cao, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới”, chuyên gia nhận định.
Theo ghi nhận của SSI Research, nhiều ngân hàng lớn đã đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10% vào cuối quý III/2024. Theo đó, ngân hàng BIDV cho biết tăng trưởng tín dụng quý III đạt 10%, được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất.
Bên cạnh đó, ngân hàng VietinBank tiết lộ tăng trưởng tín dụng đến quý III đạt 8,75%, thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và FDI vẫn là phân khúc cho vay chính của ngân hàng trong quý III.
Tại hội nghị, MB cũng cho biết kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12% trong quý III, so với hạn mức tín dụng được NHNN cấp là 18,6%.Trong khi đó, Ngân hàng Techcombank thông tin rằng đã đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18% đến 20% cho năm 2024.
ACB cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng 9 tháng đầu năm đạt mức 14% so với đầu năm nay và đã được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) mới là 18,4%. Bên cạnh đó, do việc thanh lý tài sản thế chấp diễn ra chậm nên nợ xấu ngân hàng có thể sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024.
NHNN có giảm lãi suất điều hành?
Nhận định về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định khả năng NHNN giảm lãi suất điều hành là khó và lãi suất không phải là vấn đề trọng yếu để tăng trưởng tín dụng.
Trên thực tế, không ít trường hợp người cần vay thì không tiếp cận được vốn vay do không đủ điều kiện vay vốn, còn người muốn cho vay thì lại không thể cho vay.
“Lãi suất điều hành nếu có giảm thì chỉ mang tính tâm lý và tác động lên thị trường không nhiều”, ông Huân nói.
Trên thực tế thống kê cho thấy, từ tháng 6 đến nay, các tổ chức tín dụng có xu hướng điều chỉnh tăng nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 0,2 – 1%/năm tùy kỳ hạn. Nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất tiết kiệm nhiều lần và nhiều kỳ hạn khác nhau, bao gồm cả các kỳ hạn dài từ trên 6, 12 và trên 12 – 36 tháng.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng trong nước cuối năm tăng lên, xu hướng nhập hàng đẩy mạnh, dẫn đến tỷ giá VND/USD đang tăng trở lại. Tỷ giá VND/USD tính đến ngày 15/10 ghi nhận tăng trở lại, lên mốc 24.177 VND cho 1 USD. Chỉ số DXY đã có sự phục hồi đáng kể, lên mức 103,21 điểm,mức cao nhất kể từ ngày 8/8.
Bên cạnh đó, xu hướng giá vàng tăng mạnh gần đây (chỉ số giá vàng tháng 9/2024 tăng 1,88% so với tháng trước; tăng 22,66% so với tháng 12/2023) và dự báo còn tăng trong thời gian tới cũng là một biến số sẽ tác động lên kênh tiền gửi ngân hàng.
Do vậy chuyên gia cho rằng: “Không cần thiết giảm lãi suất điều hành, nên tập trung vào điều hành chính sách tài khoá để kích cầu nền kinh tế hơn, khi người dân có nhu cầu vay vốn thì họ sẽ vay nhiều lên”.