Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseo), bầu cử tổng thống Mỹ là một sự kiện quan trọng diễn ra bốn năm một lần, để chọn ra tổng thống và Phó Tổng thống cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu.
Tổng thống và đội ngũ của họ có thể đưa ra những chính sách mới liên quan đến thuế, chi tiêu công, quy định kinh doanh và thương mại… Những quyết định này có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, lạm phát, diễn biến thị trường tài chính thế giới và ảnh hưởng một phần tới chính sách điều hành tại nhiều quốc gia khác.
Ngày 5/11 sẽ là thời điểm bầu cử trước khi có kết quả cuối cùng được tuyên bố tại phiên họp của quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện) vào 6/1/2025.
Agriseco đánh giá, chính sách của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế và ưu tiên cho tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích vốn đầu tư vào sản xuất nội địa.
Theo thống kê, chỉ số S&P500 bình quân tăng 11,28% trong năm bầu cử tổng thống; tăng 7,6% khi đại diện Đảng Dân chủ đắc cử và tăng 15,3% nếu là đại diện Đảng Cộng hòa. Trong điều kiện tổng thống nhiệm kỳ trước tới từ Đảng dân chủ, hiệu suất trong năm bầu cử bình quân là 11% khi đại diện Đảng Dân chủ tiếp tục được bầu; trong khi mức tăng sẽ là 12,9% nếu tổng thống tiếp theo tới từ Đảng Cộng hòa.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ trải qua 6 lần bầu cử của Mỹ. Kết quả sơ bộ, nửa năm sau ngày bầu cử, VN-Index tăng điểm 5/6 đợt. Bình quân hiệu suất của VN-Index sau 6 tháng cho cả 6 kỳ bầu cử trên là 28,62%. Nếu bỏ qua năm 2000 khi thị trường còn sơ khai, tỷ suất bình quân là 11,92%. Tuy nhiên lưu ý do số lượng cỡ mẫu nhỏ, kết quả chỉ mang tính tham khảo và chưa rõ ràng về mặt ý nghĩa thống kê.
Theo trang NyTimes, dự báo tỷ lệ ông Trump chiến thắng đang tăng từ 46% hồi đầu tháng lên 48% vào ngày 30/10 và tỷ lệ chiến thắng của bà Harris giảm từ 50% xuống 49%. Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, nhóm phân tích cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống.
Kịch bản bà Harris đắc cử, Agriseco cho rằng các chính sách ôn hòa sẽ không làm thay đổi nhiều về xu hướng kinh tế Việt Nam. Các nhóm ngành xuất khẩu vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng ủng hộ thương mại đa phương của ứng viên Đảng Dân chủ.
Kịch bản ông Trump đắc cử, nhiều sự thay đổi trong đó có tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút FDI về Mỹ và Tổng thống có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Fed sẽ tác động tới các ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam: xuất nhập khẩu, FDI, tỷ giá…
Về xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng hai mặt từ chính sách của ông Trump. Thứ nhất là chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10-20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ.
Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai, là khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Về dòng vốn đầu tư, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên.
Về các vấn đề kinh tế khác, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi.
Thực tế trong tháng 10 khi tỷ lệ dự báo ông Trump đắc cử tăng, chỉ số DXY đại diện cho sức mạnh đồng USD đã tăng gần 3,3%; giá hợp đồng tương lai vàng tăng 5,5%, liên tục lập đỉnh mới; các dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 cũng được giãn ra. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua và tương lai sắp tới.
Bên cạnh cuộc bầu cử, bước sang tháng 11, Agriseco đánh giá các yếu tố có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam như: Chính sách lãi suất của Fed trong kỳ họp FOMC dự kiến diễn ra ngày 8/11, với kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại; căng thẳng địa chính trị đang leo thang và xu hướng tiếp tục tăng giá của đồng USD.
Thị trường được dự báo tiếp tục xu hướng đi ngang nhưng dần tiến về vùng 1.300 điểm khi nền định giá đang ở mức hấp dẫn sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III và kỳ vọng tốc độ nới lỏng chính sách diễn ra nhanh hơn. Nhóm phân tích ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, định giá đang ở vùng hợp lý, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2024 tăng trưởng tích cực để xây dựng danh mục đầu tư tháng 11.