Cùng với việc tăng lương, nhiều ý kiến cho rằng hàng hoá thiết yếu rục rịch tăng theo. Thế nhưng trên thực tế, giá cả hàng hoá còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cung – cầu thị trường, chi phí sản xuất…
“Lương tăng thì giá cũng tăng”: Cần có biện pháp quản lý, tránh tình trạng ‘tát nước theo mưa’
Lương hưu 2 vợ chồng tăng lên 6 triệu đồng/tháng, bà Vinh (Tuyên Quang) vui vẻ chia sẻ với phóng viên: “Trước lương của 2 ông bà chỉ hơn 4,5 triệu đồng/tháng, nay đã tăng lên hơn 6 triệu, cũng dư dả để chi tiêu cho 2 ông bà và mua thêm đồ vặt cho các cháu”.
Cùng chung niềm vui được tăng lương, thế nhưng chị Thu (Hà Nội) lo ngại: “Lương nhân viên văn phòng hơn 5 triệu, nay được tăng thêm hơn 1 triệu nên cũng có thêm thu nhập. Thế nhưng giá cả ở chợ cũng nhúc nhích tăng khiến tôi cũng phải cân đối thu chi nhiều. Tháng trước mua thức ăn 1 bữa cho gia đình 4 người hết tầm 60.000 – 70.000 đồng thì nay đã lên tới cả trăm nếu muốn có đủ thịt, rau”. “Đó là chưa kể các khoản như điện, nước, tiền học sắp tới không biết có tăng theo không”, chị Thu nói.
Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long chia sẻ: “Có hiện tượng cần xem xét là “lương tăng thì giá tăng”, “tát nước theo mưa”. Theo tôi được biết, Nhà nước đã giao trách nhiệm cho các bộ, ban, ngành, đặc biệt là cơ quan quản lý giá cũng như Tổng cục Quản lý thị trường để làm sao kiểm soát được vấn đề này”.
“Tăng lương đi kèm với tăng giá có phải là một quy luật tất yếu hay không? Nếu kiểm soát không tốt thì rất nhiều người sẽ lợi dụng. Ví dụ, anh thợ cắt tóc bình thường trước kia cắt tóc bình dân 30.000 đồng, nhưng mà do lương tăng thì cũng đòi tăng giá. Điều này cần phải xem xét cho hợp lý.
Hơn nữa, việc quan tâm đến lương tăng bao nhiêu là tăng trên danh nghĩa. Điều quan trọng nhất đối với người lao động, đó là tiền lương thực tế. Tiền lương thực tế được biểu hiện bằng tiền lương danh nghĩa chia cho chỉ số giá cả. Tôi không bao giờ muốn lương danh nghĩa tăng rất cao nhưng lương thực tế của tôi lại không tăng tương xứng”, vị chuyên gia nói.
“Ví dụ, trước khi tăng lương tôi mua được 5kg thịt bò, lương tăng nhưng giá thịt bò tăng cao hơn nên chỉ mua được 3kg, điều đó là vô nghĩa. Vậy nên một trong những vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là tạo niềm tin, cải thiện đời sống cho những người làm công ăn lương, đang làm nhà nước hay về hưu, cũng như những người được hưởng trợ cấp xã hội, làm sao để tăng giá thấp hơn tăng lương. Theo tôi nghĩ đây là một vấn đề quan trọng”, ông Long nói thêm.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng thực phẩm nào tăng cũng là do lương tăng. Theo khảo sát của phóng viên, giá thịt lợn hiện nay tại các chợ dân sinh giao động trong khoảng 120.000 – 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 15-20% so với hồi đầu năm. Theo quan điểm cá nhân, chuyên gia Ngô Chí Long cho rằng, việc tăng giá thịt trong thời gian vừa qua là việc thiếu hụt nguồn cung do dịch bệnh, sản lượng đàn thấp, số lượng thịt đưa ra thị trường không nhiều. Bên cạnh đó, giá cả tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. “Từ tháng 4 trở lại đây, sau 7 tháng giảm liên tục thì giá thịt đã tăng. Chúng ta không nên “đổ tội” cho tăng lương”, vị chuyên gia nói.
Hay theo các tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế (Hà Nội), giá một số loại rau tăng do thời tiết thay đổi liên tục, mưa nhiều dẫn sản lượng giảm.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần có những biện pháp để hạn chế giá cả hàng hoá tăng bất thường, còn với những mặt hàng tăng giá do quan hệ cung – cầu, do chi phí sản xuất… thì không thể ngăn cản được.
Nhiều quan điểm về kịch bản lạm phát nửa cuối năm 2024
Trước lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.
Theo tính toán của TS Nguyễn Đức Độ, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Dự báo diễn biến nửa cuối năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho hay, CPI đạt đỉnh vào khoảng tháng 7,8 sau đó giảm dần. Trung bình cả năm 2024, theo ông Độ, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3% (+/-0,5%).
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, dù nửa cuối năm tăng lương cơ sở tới 30%, cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều người lo rằng lạm phát rất cao nhưng điều này không đúng. Bởi thực tế, việc tăng lương cho công chức, viên chức chỉ là số ít và cũng tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và nền kinh tế.
“Việc tăng lương có thể có tác động tâm lý người dân, điều này khiến giá cả hàng hóa nhích tăng, đặc biệt do các tiểu thương hay tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định trong thời gian tới”, ông Thịnh khẳng định.
Trong góc nhìn thận trọng hơn, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Tôi nghĩ rằng mục tiêu lạm phát 4% là một mục tiêu khá thách thức cho Việt Nam”. Vị chuyên gia này phân tích, các yếu tố như việc tăng lương từ ngày 1/7, tỷ giá, giá dầu, thậm chí là giá vàng cũng sẽ gây áp lực đến lạm phát. Do đó, vị này cho rằng: “Tôi nghĩ là năm nay lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn 4% lạm phát mục tiêu của chúng ta”.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Chí Long nhận định: “Theo tôi, dự báo lạm phát năm nay từ 4,2-4,5% có tính khả thi, có cơ sở thuyết phục và độ tin cậy”.